Hi! Chào bạn, một tuần qua mình không ra bài viết mới, lí do có khá nhiều việc khiến thời gian ngồi máy tính của mình bị ít đi. Nhưng những việc đó giải quyết xong rồi nên giờ mình sẽ lại chăm chút cái blog nho nhỏ này, đây là nơi mình viết và viết, một góc để mình thoải mái chia sẻ những kiến thức của mình, nơi để chém gió xuyên châu lục cùng các bạn. 😉
OK! Bài viết này mình không nói đến kiếm tiền online, cũng không nói đến SEO hay thủ thuật wordpress, bài này mình sẽ nói về các yếu tố tạo nên một mẫu email hiệu quả. Nói vậy không có nghĩa là bài này chỉ nói suông về Email với một đống chữ loằng ngoằng không có mục đích. Phần này hỗ trợ khá nhiều trong việc làm Affiliate Marketing (Tiếp thị liên kết) của mình, điển hình là Clickbank! Với kinh nghiệm hơn 6 năm mài đũng quần “làm aff” thì cũng có một chút kinh nghiệm khiêm tốn.
Thật ra thì có rất nhiều yếu tố để tạo nên một mẫu email hiệu quả, nhưng vì để “giật” cho các bạn vào đây nên mình tóm lược thành 5 yếu tố.
1. Nội dung
Tất nhiên rồi, nói thế này thì ai chẳng nói được, nội dung là thứ quan trọng nhất bất kể gì chứ không riêng gì email. Biết thế nhưng không nói sẽ thành thiếu, vậy nên mình đưa nó lên đầu và cũng không nói quá nhiều về nó vì bạn quá biết nó quan trọng thế nào. Một email có ý tưởng xây dựng nội dung hay luôn chiếm gần như phần hơn chiến thắng. Nội dung email tốt theo mình là không dài, mình không muốn nói là ngắn vì nhiều bạn sẽ nói tuỳ tính chất email. Tính chất gì thì tính chất nhưng cố gắng rút gọn email tối giản nhất luôn là điều mình làm bất kể chiến dịch nào.
Nội dung email nên rõ ràng, sắc nét, không nên mập mờ hay thiếu tính trung thực. Nếu bạn có một ý tưởng câu chuyện không ngắn thì ý tưởng là bạn nên chia nó ra thành nhiều email và gửi, kết nối khách hàng của bạn với câu chuyện thông qua những mẫu email ngắn sẽ dễ dàng hơn nếu bạn tống ngay một chuỗi text vào mặt họ. Chú ý cẩn thận không để nhầm lẫn nội dung hoặc ngắt quãng nó bằng email có nội dung khác.
2. Hạn chế email có nội dung dài
Như mình nói ở trên thì mình không khuyến khích bạn có một email dài với rất nhiều câu chữ. Bạn hãy thử giảm, hạn chế việc viết nội dung dài, tối ưu nội dung ngắn gọn bạn sẽ thấy khác ngay!
Cố gắng sắp xếp mức độ quan trọng trong email cân bằng từ đầu đến cuối email. Tại sao vậy? Tư duy đơn giản của mình đưa ra 3 trường hợp để bạn hiểu:
- TH1: Mức độ quan trọng của email GIẢM DẦN từ đầu đến cuối.
Bạn có muốn người nhận email đọc hết nó? Nếu câu trả lời là CÓ thì bạn không nên ở trường hợp này. Vì càng về sau mức độ quan trọng email càng giảm, kéo theo độ tập trung của khách hàng càng ít đi, có thể trước khi khách hàng tắt phụp cái email của bạn thì họ đã KHÔNG thực hiện hành động nào cả, thậm chí gợi cho họ một chút gì đấy về cái email đó.
- TH2: Mức độ quan trọng của emal TĂNG DẦN từ đầu đến cuối
Nếu bạn là người có trường phái viết email theo cảm xúc của câu chuyện thì đúng là nó đây. Nhưng bạn ạ, cái kiểu viết nên một câu chuyện để rồi bán hàng đấy nó nhàm quá rồi, không nên cứ khuôn khổ vậy chứ? Mở đầu email hết sức bình thường, tăng dần cảm xúc và chốt sale? Nếu đi theo cách này thì hãy mong khách hàng đọc qua được mấy câu đầu trước khi họ thoát email của bạn.
- TH3: Mức độ quan trọng của email luôn giữ mức CÂN BẰNG trong suốt email
Chỉ có một câu: Khả năng khách hàng đọc hết email của bạn rất cao. Mọi thứ nên cân bằng khi mà khách hàng thực sự cần là một bản review chân thực, một đánh giá sắc nét và cân bằng về ưu lẫn nhược điểm. Những lợi ích họ có khi sử dụng sản phẩm của bạn,… Khách hàng muốn là người ra quyết định thật sự!
Sử dụng tiêu đề phụ, tiêu đề con, ý chính khôn ngoan và xuyên suốt email để khách hàng lướt qua được nội dung để xem nó có phù hợp với họ hay không.
Tạo các nơi “xem thêm” giúp khách hàng thật sự quan tâm có thể tìm hiểu thông tin kỹ hơn nữa nhưng vẫn không ảnh hưởng đến độ dài email của bạn.
3. Ưu tiên nội dung email dễ dàng tiếp nhận
Hầu như các khách hàng có rất ít thời gian để quét một lượt qua thông tin email bạn nói gì. Bạn nên ưu tiên những thông tin dễ tiếp thu lên trên để khách hàng dễ dàng tiếp nhận nó.
Email của bạn nên sạch sẽ hơn là màu mè đủ kiểu. Thường thì gửi nền trắng, font chữ rõ ràng dễ đọc khiến email của bạn thân thiện. Còn nếu bạn muốn tạo màu thương hiệu thì không sao, bạn cứ làm miễn sao nhìn nó đừng khó đọc và nhức mắt là được. 😀
Các nút Call to action nên đặt đều từ trên xuống dưới. Đừng quá nhiều sẽ bị lố đấy! 2 đến 3 cái là ok rồi.
4. Thiết kế email và tận dụng thương hiệu của bạn
Vì là người chung thuỷ (tự sướng :v) nên mình vẫn hay giữ một kiểu thiết kế cho một chiến dịch Email Marketing, chỉ thay đổi bố cục, còn lại thì vẫn giữ phong cách và lối thiết kế chung nhằm tạo thương hiệu cho chiến dịch đó.
Thiết kế đơn giản, sạch sẽ thường sẽ dễ dàng phù hợp với đại đa số vì vậy bạn đừng nên thay đổi nó, đừng nên làm cho nó phức tạp cầu kì lên làm gì. Thiết kế mình hướng đến thường đơn giản nhưng “sang”. Một email của mình thường sẽ theo 1 tông màu duy nhất. Các Call to action, các button thì mới có màu nổi bật khác, còn lại sẽ dùng 1 màu để tạo thương hiệu cho chiến dịch.
Font chữ trong email nên rõ ràng, dễ đọc, không nên quá 2 font chữ trong một email. Cỡ chữ thì khoảng 14-16px là hợp lí (Mình hay để 16px). Font chữ nên phù hợp với nội dung email và thương hiệu của bạn.
Như đã nói một chút ở trên thì việc tạo dựng thương hiệu cho chiến dịch khá quan trọng, nó giúp khách hàng dễ dàng nhận biết email đó là của bạn chứ không phải ai khác. Bạn nên chèn logo, câu quot, câu nói của thương hiệu bạn,… vào trong chiến dịch email bạn đang làm. Nếu là một chiến dịch dài hạn thì việc này lại càng quan trọng nếu bạn muốn khách hàng nhận ra bạn ở “đám đông thương hiệu” ngoài kia.
5. Lời kêu gọi hành động
Một lời kêu gọi hành động (CTA) luôn là điểm sáng cho email của bạn, cần có để khách hàng biết họ phải làm gì? Để có được ROI tối đa cho chiến dịch Email Marketing của bạn thì CTA luôn là yếu tố không thể thiếu. CTA nên phù hợp với đối tượng bạn hướng đến. Bạn nên cụ thể hoá kêu gọi hành động sẽ có tương tác cao hơn kêu gọi chung chung. Ví dụ thay vì “Download NOW” thì mình hay dùng “Download DW-Argo NOW” chẳng hạn.
CTA nên ngắn gọn, dễ hiểu và ngay lập tức hình dung được việc sẽ hành động. Đặt CTA chỗ mà khách hàng dễ dàng nhận thấy trong email. CTA nổi bật luôn là lợi thế thu hút sự chú ý của khách hàng.
Kết luận
Trên đây chỉ là 5 yếu tố chủ quan của mình qua quá trình sử dụng Email Marketing làm công cụ cho những chiến dịch kiếm tiền online, hay kể cả những chiến dịch thực tế khác mà mình sử dụng. Theo bạn thì có những yếu tố nào cần lưu ý nữa? Bạn có thể góp ý để mình update vào bài nhé! Cảm ơn và chúc may mắn 😉
Tham gia cùng 67,322 người đăng ký
Nhận thông tin khi có bài viết đặc biệt, hướng dẫn chuyên sâu và cập nhật mới.
Mọi thông tin đều được mã hóa và bảo mật.
Cảm ơn bác. Bác nói rõ hơn về CTA nên đặt ở đâu là chuẩn ạ?
Em thì em hay đặt ở điểm chốt sau lợi ích họ nhận được. Đặt vào sau các ý hướng đến họ thì sẽ dễ tạo Action hơn bác ạ. Bác có email cứ gửi em xem thử rồi em tối ưu cho ạ? bác gửi vào mail cho em nhé
Bác check hộ em nhé! Em gửi bác vài email rồi <3